Học tập nơi đô thị phồn hoa, tôi đã có dịp thưởng thức không ít món ăn: lạ có, quen có, thế nhưng tôi đã không thể nào dứt được nỗi nhớ về vị mằn mặn của vị phù sa sông, mùi hăng hăng đặc trưng của mắm cáy quê nhà, mùi vị của mắm cáy ăn một lần là nhớ mãi…
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, cáy có nhiều ở các vùng nước lợ như Thanh Liêm, Bình Lục, Kim Bảng….thế nhưng nghề làm mắm cáy phát triển mạnh nhất ở huyện Bình Lục. Cáy được bán với giá khoảng 35 nghìn đồng/1kg, những người kinh doanh mắm cáy thường đến các chợ thu mua cáy để chế biến thành sản phẩm. Chị Lê Thị Mây, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Đồng Văn cho biết: “mỗi ngày cửa hàng chị cũng bán được gần 5lit mắm cáy, thu lãi từ 30 đến 35 nghìn đồng”.Chú Nguyễn Văn Thành, người có thâm niên chế biến mắm cáy hơn chục năm nay ở xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục tâm sự: “làm mắm cáy đơn giản nhưng muốn mắm có hương vị đậm đà, thơm ngon thì cũng phải làm công phu lắm”. Cáy sau khi bắt từ đồng về, được rửa sạch rồi đem giã nhuyễn trong cối đá. Trong quá trình nêm giã sẽ nêm muối tinh đủ độ mặn, cho tất cả vào một hũ sành cùng với giềng hoặc gừng đập dập. Tiếp theo lấy vải màn bịt chặt hũ lại phơi nắng một ngày rồi đem chôn dưới đất, để càng lâu mắm cáy càng có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. Hiện nay, nghề làm mắm cáy ở huyện Bình Lục ngày càng phát triển, cả huyện có hơn 300 hộ làm mắm cáy, nhưng chuyên sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất là hộ chị Nguyễn Thị Thương, ngoài bán tạp hóa ở chợ, mỗi tháng chị sản xuất và tiêu thụ 400 đến 500 chai mắm cáy. Mắm cáy Bình Lục được đóng chai nửa lít và một lít đã trở thành một sản phẩm độc đáo. Nhiều đoàn khách du lịch đi qua Bình Lục đều không quên ghé chân mua mắm cáy Bình Lục về làm quà. Mắm cáy có giá bán khoảng 15 nghìn/1 lit, rất thích hợp dùng để chấm thịt luộc, rau luộc và xào nấu thức ăn…
Rau lang chấm mắm cáy
Trong khi thị trường nhan nhản các loại nước mắm được quảng cáo rầm rộ nhưng vẫn có thể bị người tiêu dùng quên lãng do nhiều nguyên nhân: không hợp khẩu vị, do nghi ngờ có chứa ure… Xu thế người tiêu dùng quay trở lại dùng mắm cáy ngày một nhiều vì mắm cáy được chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn…Ngày trước, khi những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cáy nhiều vô kể. Bây giờ từ ngày con đê ngăn nước lợ phù sa rồi ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học làm cho cáy trở nên hiếm hoi. Vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường vùng nước lợ cần được chính quyền Bình Lục đặc biệt quan tâm. Cũng từ cái nghề dân giã này mà huyện Bình Lục đang ngày càng “ thay da đổi thịt”, nhà cửa mọc lên san sát, hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi…Để phát triển sản xuất, chấm dứt tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, chính quyền huyện Bình Lục đang khẩn trương xây dựng đề án: “Phát triển nghề mắm cáy huyện Bình Lục.” Đây là hướng đi phù hợp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề của tỉnh. Hy vọng một ngày gần đây, sẽ thấy Bình Lục mang diện mạo mới, thương hiệu mắm cáy Bình Lục ngày càng vươn xa.
Lần nào về thăm nhà, tôi cũng được thưởng thức món rau lang luộc xanh nõn chấm với nước mắm cáy pha một chút ớt tỏi mẹ làm, tôi ăn đến cạn cả cháy mà vẫn còn thòm thèm. Mẹ thấy vậy thì ngân nga: “Ăn thịt bò lo ngay ngáy – Ăn mắm cáy ngáy o o”. Như vậy, có thể nói mắm cáy đã đi vào cuộc sống của người dân, là món quà mà ai đã từng gắn bó với tuổi thơ mình với nó, hẳn khó có thể nào quên.
No comments:
Post a Comment