Tuesday, June 19, 2012

Đặc sản Hà Nam - Bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân)

Các bậc cao niên trong làng kể lại câu chuyện về cụ tổ nghề. Nghề làm bánh đa nem xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XIV (năm 1314) do cụ tổ nghề là Trần Đình Hán chế biến từ hạt gạo, rồi đem truyền dạy lại cho dân làng. Ngày 8-2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ nghề đồng thời là ngày hướng kỵ Thành Hoàng tại đình Chều. Qua 700 năm thăng trầm, người dân làng Chều vẫn lưu giữ và duy trì và ngày càng phát triển nghề truyền thống.

Bánh đa nem làng Chều được làm từ gạo tẻ, lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Trải qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre và đoạn cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc bánh đa nem dưới bàn tay của người “nghệ sĩ” làm bánh được làm ra với màu bánh trắng, mềm và có độ dẻo cao, thơm mùi gạo. Bí quyết làm bánh đa nem được người dân trong vùng truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Từ nhỏ những đứa trẻ làng Chều đã được làm quen với nghề, đây có lẽ là lý do chính để nem làng Chều vẫn được duy trì, không bị thất truyền.

Bánh đa nem khi đem phơi cần có đủ nắng. Nếu không, bánh sẽ ỉu và thiếu độ trắng cần thiết, nhưng nếu dư nắng, bánh sẽ cứng và nứt. Vì vậy công đoạn phơi bánh đa nem là một công đoạn khá công phu, cầu kỳ. Nghề làm bánh đa nem cũng có nhiều những khó khăn nhất định. Người dân làng Chều thường làm bánh đa nem quanh năm và thường vào những ngày nắng, tận dụng nhiệt độ ngoài trời để có thể phơi bánh đa nem.

Bánh đa nem làng Chều trước khi đưa vào sử dụng về cơ bản có hai loại là bánh đa nem vuông và bánh đa nem tròn. Loại vuông được chủ yếu tiêu thụ trong vùng và lân cận, loại tròn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều các thành phố lớn, các siêu thị trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hằng năm, vào tháng 11 âm lịch là thời điểm bánh được chuyển đi khắp mọi miền đất nước để người dân sắm sửa, chuẩn bị cho những món ăn ngon trong dịp Tết.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử bánh đa nem Nguyên Lý vẫn tồn tại và phát triển, đây cũng là nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống.

No comments:

Post a Comment