Song đông vui nhất là dịp dân làng mở hội từ ngày 8 đến ngày 12 tháng giêng. Hội làng Thọ Chương cũng như làng Đồng Lâu gần đó ngoài tôn vinh thành hoàng có ý nghĩa khuyến khích nghề truyền thống quê hương. Trong bài hát của lễ hội có câu:
Vũ Xá đan gầu
Đồng Lâu kéo sợi
Hai bên chờ đợi
Mồng tám, mười hai
Lệ định từ xưa kiệu được rước từ Đồng Lâu lên Thọ Chương rồi rước quay trở lại. Cả hai đình đều tổ chức tế lễ, ăn giao hảo ngày mồng 8. Đồng Lâu rước lên đến tối mới về. Ngày 12, Thọ Chương rước sang Đồng Lâu chiều lại rước về. Những ngày có đám rước, nhân dân địa phương náo nức tham dự. Nhà nhà đón mời khách thưởng thức chén trà ngon, miếng trầu têm khéo.
Các buổi tối trong hội đình Thọ Chương thường tổ chức diễn chèo. Bức dại tự ghi 4 chữ Vũ ấp huyền ca nhắc nhở dân làng nhớ tới tục lệ ca hát trong lễ hội. Hội làng Thọ Chương không chỉ có rước xách tế lễ, ca hát mà còn có nhiều trò vui như đấu cờ tướng, đấu vật, chơi tổ tôm điểm, trong đó đấu vật là trò chơi cuốn hút nhất. Ngoài các đô vật ở làng, còn có các đô vật ở các xã khác như Đông Lư, Đồng Yên, Mạc Thượng, Mạc Hạ, Phúc Châu về cùng tham dự giải. Các đô vật Thọ Chương thường được giải cao vì tương truyền ở đây xưa kia có người đàn ông rất khỏe, mỗi khi đưa bò ra đồng ông thường cắp bò ngang hông, do đó, ông được gọi là xã Khỏe. Khi vào xới, ông thường giật giải cao về cho làng và để lại truyền thống thượng võ cho dân làng.
Lễ hội đình Thọ Chương cho thấy một điều là, trước khi thờ cúng vị anh hùng của làng, dân làng đã thờ cúng vị tổ nghề. Sự kết nghĩa giao hảo của hai làng Vũ Xá và Đồng Lâu và lễ hội tưng bừng của hai làng càng cho thấy lớp văn hóa sâu xa của việc thờ cúng thành hoàng ở đây. Hai mặt của cuộc sống: làm ăn và đánh giặc luôn đan quyện vào nhau, và ước muốn về một cuộc sống hoà bình an lạc đã được gửi gắm trong niềm tin tưởng về vị thành hoàng mà ý nghĩa mới không làm mờ đi những lớp nghĩa xa xưa hơn.
(Nguồn: hanam.gov.vn)
No comments:
Post a Comment