Sunday, June 3, 2012

Hát Dậm Quyển Sơn- Hà Nam

Hát Dậm, còn được gọi là hát múa Dậm Quyển Sơn, bởi đây là một thể loại dân ca có những nét riêng độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.
Hát Dậm là lối hát thường có trong hội tế thần của làng Quyển Sơn, diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến 10 tháng Hai âm lịch hàng năm. Đây là hội lớn nhất trong năm, là đại tiệc của làng. Theo các cụ ở làng Quyển Sơn, hát Dậm có nguồn gốc từ một truyền thuyết lịch sử, khi Thái úy Lý Thường Kiệt thắng trận trở về cho quân dừng dưới chân núi Cấm, xã Thi Sơn, ăn mừng chiến thắng. Những lời ca, điệu múa trong ngày hội khao quân đó đã được người dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền đến tận bây giờ.

Hát Dậm còn gọi là Hát đại trà (tiệc lớn). Có người cho rằng, sở dĩ có tên gọi hát Dậm, vì khi múa trong hát Dậm thường có động tác dậm chân. Người đi hát Dậm thường được tập hợp trong phường Dậm. Đứng đầu phường Dậm là bà trùm. Bà trùm là người đứng tuổi, thuở thanh xuân từng là con Dậm, thuộc tất cả các bài bản hát Dậm, có giọng hát hay, múa dẻo.

Ở Quyển Sơn, hàng năm làng đều tuyển chọn các cô gái thanh tân trong làng, tuổi từ 12-20, có giọng hát hay, xinh xắn vào phường Dậm. Các cô gái được gọi là con Dậm, khi lấy chồng thì không được đi hát nữa. Phường Dậm ngoài bà trùm, có khoảng 18-20 con Dậm. Ngày 6.2 âm lịch, quan viên làng làm lễ tế trong 5 ngày, bà trùm và các con Dậm hát múa xen kẽ theo nghi thức. Phường Dậm diễn xướng mỗi ngày một buổi hoặc sáng hoặc chiều theo sự điều hành của quan viên làng. Ngày xưa, sau khi phường Dậm diễn xướng xong phần nghi thức, thường có phần hát Kép giữa con Dậm với trai làng ở trước cửa đền, cửa đình, hát những câu giao duyên.

Hát Dậm là lối hát tế thần, vì thế các con Dậm rất vinh dự được làng tuyển chọn vào phường Dậm, mặc dù phải tập luyện vất vả, không có thù lao mà còn phải góp tiền trầu hương mỗi lần đi hát. Mỗi khi hát ở cửa đền, cửa đình, các con Dậm mặc quần áo dài màu trắng, đầu đội khăn vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ giắt một chiếc quạt giấy, làm đạo cụ múa, chân để trần. Bà trùm mặc quần áo dài màu vàng, khăn vấn màu vàng. Nhạc cụ có cặp xênh do bà trùm sử dụng để gõ nhịp. Một cặp trống con có đường kính chiều rộng 23cm, chiều cao 10cm, tay cầm dài khoảng 20cm, do 2 con Dậm vừa dùng làm đạo cụ, vừa là nhạc cụ diễn xướng trong một số bài.

Hát Dậm thuộc dạng ca – múa – nhạc tổng hợp. Hầu như bài nào cũng có múa và diễn. Múa trong hát Dậm có nhiều tổ hợp động tác. Một số tổ hợp động tác múa rất đẹp, duyên dáng và mang phong cách riêng. Đa phần bài, làn điệu hát Dậm có diễn xướng và xô. Người xướng là bà trùm. Người xô là các con Dậm. Kỹ năng hát Dậm phải vang, rền. Đặc biệt là sự phối hợp giữa xướng và xô.

Lời ca trong hát Dậm có các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, thơ tự do, lục bát, lục bát biến thể, tứ tuyệt. Giai điệu các bài có nội dung cầu chúc thần thánh thì trang nghiêm, thành kính. Những bài có nội dung về sinh hoạt lao động và tâm tình nam nữ giai điệu tinh tế, trữ tình, trong sáng...

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Quyển Sơn không tổ chức hát Dậm. Vào khoảng cuối những năm 60 thế kỷ XX, một số các cụ, các bà ngày trước từng đi hát Dậm được mời về Hà Nội biểu diễn, quay phim, thu thanh một số bài hát Dậm. Sau đó các bà, các cụ tập hợp nhau lại thành lập phường Dậm, ôn luyện những bài bản, những điệu múa trong hát Dậm. Có một điều đặc biệt là các cụ đều tự nguyện bỏ công sức, thậm chí bỏ cả tiền ra truyền dạy cho các cháu trong làng hát Dậm.

Cụ Trịnh Thị Dăm năm nay gần 90 tuổi, là bà trùm phường Dậm Quyển Sơn từ năm 1990 đến nay, đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Cụ cho biết: “Tôi đi hát, dạy các cháu hát múa vì muốn lưu truyền những bài hát, điệu múa quý giá của tổ tiên để lại, những khi được vào đền, vào đình hát, người thấy thanh thoát lạ thường”. Theo nghệ nhân Trịnh Thị Dăm, hát Dậm có khoảng 38 làn điệu, nhiều làn điệu về cơ bản có âm điệu giống nhau, chỉ khác nhau ở 1-2 nốt nhạc. Sự khác nhau này do lời ca khác nhau tạo nên. Chính vì thế cấu trúc của dân ca hát Dậm khá đa dạng. Trong 38 làn điệu này, phường hát Dậm gần như nối liền với nhau, nếu căn cứ vào nội dung lời ca, hát riêng từng nội dung, thì tương ứng là 38 bài. Một số bài có cấu trúc khổ nhạc đơn, gồm 2-4 câu nhạc. Một số bài có cấu trúc hai khổ nhạc đơn (phát triển trên cơ sở của khổ nhạc đơn). Có bài có cấu trúc liên hoàn các khổ nhạc đơn (giống liên khúc)...

Trải qua bao thăng trầm, sinh hoạt hát Dậm vẫn hiện diện ở làng Quyển Sơn. Trong sâu thẳm tâm linh, cùng với nhận thức rõ giá trị của hát Dậm, dân làng Quyển Sơn đã và đang duy trì sinh hoạt văn hóa phi vật thể này, mong muốn và hy vọng hát múa Dậm sẽ trường tồn.


Theo Hanamtv // NDBND

No comments:

Post a Comment