Thursday, June 21, 2012

Chùa Bạch Liên ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên.


Chùa Bạch Liên có nghệ thuật chạm khắc mang tính nghệ thuật cao. Trước hết là hệ thống cửa võng. Gian chính giữa của tòa nhà tiền đường và 4 vì của chùa Tam Bảo, đều có cửa võng nằm gọn gàng trong khung giữa đại trụ và câu đầu, hoặc đại trụ và xà lòng của công trình.

Từ cửa bước vào cửa tòa tiền đường, ngay hàng cột đầu tiên, đã xuất hiện tòa cửa võng "Cửu long tranh châu" chạm khắc nghệ thuật, tạo không khí uy nghiêm. Ở tòa võng thứ 2 cũng ở chính diện tòa tiền đường, các nghệ nhân làng Ngò, xã Tiên Nôi, huyện Duy Tiên đã không quản công mang hết khả năng tạo nên mô típ giàn nho sinh động làm đường diềm phía trên, lại đến lớp lớp cánh sen dụ đều đặn đổ về hai phía, chạy theo đường riềm phía dưới. Khuôn cửa võng nằm lọt giữa hai đai trụ, phía trên có xà lòng. Cửa võng uốn lượn nhịp nhàng, cân đối theo dạng vành đai. Chính giữa cũng là vị trí cao nhất, trang trọng nhất là hình ảnh phật đường nơi Tây Trúc, trang nghiêm cao vời vợi. Hai bên là cảnh thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Bát Giới với những chặng đường mà nghệ nhân diễn tả cách điệu qua thân cây mai hoặc áng mây khiến người xem hình dung trăm ngàn nỗi gian truân trên đường đi thỉnh kinh học đạo. Nghệ nhân còn khéo léo tạo hình chẳng hạn như quỷ dữ kỳ quái ác độc, các thần nhân "Kim Cương" oai phong lẫm liệt.

Bức cửa võng thứ 3, ở vị trí đầu tiên của tòa tam bảo, được bố cục dưới bức đại tự khảm trai, với 4 chữ lớn nổi bật "Đàm hoa hiện thụy" nghĩa là trong vườn hoa cửa thiền thấy rõ điều tốt lành, do các tín lão trong ấp tiên cúng. Hai bên cửa võng là đôi câu đối chạm khảm trai uốn lượn hình mai với các áng mây bay lượn tầng tầng lớp lớp để tạo nền, nâng đỡ các tòa sen mà "tứ vị bồ tát" đang yên vị "tĩnh tọa" hoặc tạo thang mây cho "bát vị kim cương", áo mũ cân đai, oai phong trong y phục và đồ khí tượng, đứng trấn giữ các phương để bảo vệ cho thế giới Phật. Với đề tài "tứ vị bồ tát", "bát vị kim cương", người thợ truyền thống ở đây đã khéo léo tạo ra cảnh sắc của thế giới tự nhiên, rất hòa nhập với các nhân vật. Cũng tại vì này hai bên xà nách, đều trang trí hai nửa cuốn thư (bán cuốn thư), là những tác phẩm chạm khắc gỗ tinh vi, có sự tạo dáng tự nhiên mềm mại của nhành mai hóa long trông thật hấp dẫn. Dưới cuốn thư cài thêm hai bộ cửa võng nhỏ dưới xà, với các hoạ tiết hoa lá cách điệu, làm tăng sự lộng lẫy hoàn chỉnh của vì chính điện ở tam bảo.

Tòa cửa võng thứ 4, cũng gắn dưới hàng câu đầu, hai bên bám sát đai trụ, vừa có giá trị trang trí, vừa giữ thêm chức năng của giá trị công trình. Nghệ nhân  đã khắc hoạ hai cây tùng hóa long, bên cây tùng có họa tiết dàn nho sinh động nép bóng, điểm thêm bóng hình chim trĩ đang nhảy nhót, nghiêng ngó tìm mồi. Dưới bóng hình đại thụ, người thợ truyền thống làm nghề còn điểm thêm các vòng trang trí như cảnh ao sen có hoa nở rộ, những áng mây nhẹ nhàng lướt bay, ôm ấp mặt nguyệt, vài nhành mai tốt tươi lắm nụ, nhiều hoa núp bóng cây tùng. Nghệ nhân dân gian đã khéo biến từ lòng gỗ để làm nảy lên một thế giới tự nhiên như tùng mai, dàn nho, ao sen, mây tỏa, những con chim… vô cùng sống động. Hai bên xà nách của vì này, cũng được trang trí bằng các bức vẽ cặp chim phượng đang xoè cánh, vươn đuôi, cảnh ao sen tươi tốt, đang nở hoa xanh lá. Với những đường nét tinh tế, mảng chạm bé nhỏ này như gợi lại cảnh ao sen xưa kia, trước cửa chùa Bạch Liên.

Phần chính diện của cửa võng thứ 5 được gia công nghệ thuật chu đáo. Nghệ nhân đã tỉ mỉ và điêu luyện khắc lên gỗ một bức tranh sinh động như một bức gấm dệt công phu, có điểm cài hoa phù dung, có các nhạc cụ dân tộc như đàn, sáo, nhị… Trên hàng xà nách của vì thứ năm, cũng có các bức vẽ sơn son thiếp vàng, với hình ảnh "long cuốn thuỷ". Dưới đó là hàng phù điêu sen dẻo chạm bong và lá lật, để tạo thành cửa võng phụ, bổ trợ, làm tăng thêm trọng lượng cho mảng nghệ thuật chính diện.

Vì kèo trong cùng, gần giáp đốc nhà tam bảo, không tạo thành cửa võng vì các bộ thờ được xây dựng theo cấp cao dần, nếu thiết kế cửa võng ở đây sẽ che khuất đi. Nghệ nhân đã khắc hoạ một mô típ hoa sen, với những đường nét hình dáng mềm mại, với nghệ thuật sơn son thiếp vàng, rất hài hòa với tổng thể hệ thống cửa võng, cuốn thư trang trí phía ngoài và rất hợp với nội dung hình thức đại tự phía trên "Đại hùng bảo diện", nghĩa là điện thờ này quý giá, hùng tráng, vĩ đại.

Chùa Bạch Liên còn có bộ y môn, gồm bốn chiếc làm bằng gỗ, sơn sơn thiếp vàng rất đẹp, treo ở mặt tiền tòa tiền đường, giữa những căn xà lòng thượng và hạ của bốn gian phía đông và phía tây. Y môn cùng với đại tự, cửa võng che chắn một phần kiến trúc mái công trình, khiến nội thất tăng thêm vẻ lộng lẫy nguy nga. Và kiểu dáng thì 2 cặp y môn chùa Bạch Liên cũng có riềm thượng, riềm hạ cũng có các đai phân khoảng trang trí… như mọi  y môn cổ truyền của dân tộc. Điều đáng lưu ý là nghệ thuật chạm khắc phong phú, điêu luyện. Cặp y môn phía đông tòa tiền đường, với các hoạ tiết "long cuốn thuỷ" với long, ly, quy, phượng thật hấp dẫn. Cấu trúc được tạo dáng thành hình đầu rồng rất sinh động đầy đủ bờm, râu, tóc như đang muốn bay ra ngoài. Nhành mai, cành trúc được chạm uốn lượn như thân con rồng rất sinh động. Ở riềm dưới là các họa tiết phượng múa, lly và quy, bộ đỉnh, bình hoa đặt trên "tam sơn" các hoạ tiết cuốn thư, cành hồng, những dây tua, hạt cườm.

Nếu như y môn phía đông có trúc, mai hóa thành long tài tình, thì ở cặp y môn phía tây có tùng, có trúc, có cảnh "tam lân hí cầu" (ba con lân vờn cầu), rồi quy, phượng, bình hoa, đỉnh thờ. Nghệ nhân đã triển khai trên một bố cụ linh hoạt, phóng khoáng, các hoa lá trên giải y môn không cứng nhắc, luôn phải đăng đối, các khuôn trang trí cũng không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau nhưng nhìn chung, các mảng chạm khắc ở các bộ phận giữ được tính thống nhất cao của tổng thể, rõ nhất là ở nguyên tắc đối xứng sao cho thật hài hòa.

Chín bức đại tự, tám đôi câu đối ở chùa đều được gia công nghệ thuật, thể hiện qua một số riềm trang trí, một số làm nền gấm.

Tượng pháp Chùa Bạch Liên được bảo tồn khá cẩn thận nên giữ được khá đầy đủ. Ba pho tam thế trên cùng, ngồi trên tòa sen được khắc họa kỳ công, thể hiện ba biểu tượng của thế giới phật, ở cuộc đời tu hành từ quá khứ, hiện tại đến sau này. Tượng A di đà đặt ở vị trí thấp hơn, nhưng lại to hơn, bao trùm hơn, cao tới 2m. Nghệ nhân tạo pho này đã tính toán kỹ tính cân đối từ hình khối, y phục, bộ thờ, tòa sen. Các tượng Quan thế âm Bồ Tát, Đại thế chí Bồ Tát, Diệu thiện là những tượng thuộc dạng lớn, cao tới 1,1m (không kể bệ), dù ở tư thế ngồi tĩnh toạ hay "bắt quyết" đều được chạm nhấn rất đẹp, vừa thể hiện nội tâm vừa thể hiện tư thé đường bệ trên tòa sen nở rộ, các cánh sen đều rất trau chuốt.

Tòa Cửu long bằng đồng, cao 1,6m, rộng 1,4m có hơn 50 pho tượng, biểu tượng của 5 quá trình tu hành của Thế Tôn Màu Ni (từ sơ sinh, quá khứ, hiện tại, vị lai đến cõi niết bàn) bao gồm các pho bồ tát, kim cương, thị giả… Các pho tượng đang biểu diễn dàn nhạc sáo, nhị. Mỗi pho một cá tính, nhân cách khá nhau, nhưng dù tượng đứng hay tượng ngồi đều có nghệ thuật tạo dáng, tạo thế rất điêu luyện.

Ngoài ra các pho tượng như Ngọc hoàng ngồi trên long ngai cũng được tạo vẻ uy ghi, tượng Thánh tăng có khuôn mặt xương xương, nếp áo, tà áo rất sinh động. Tượng Đức ông mang vẻ oai vệ, nghiêm khắc song vẫn thể hiện nét từ bi, áo mũ được tô điểm kỳ công. Hai pho tượng "hộ pháp" cao 2m ngồi trên mình thú rất oai phong, phần điện và trang phục diễn tả thật sinh động. Như vậy, tượng pháp của Chùa Bạch Liên ngoài ưu điểm được bảo tồn khá tốt còn có một điều đáng tự hào là đã giữ được ba chủng loại tượng được tạo nên từ ba chất liệu khá nhau, thể hiện trình độ nghệ thuật cao: nghệ thuật đúc tượng đồng, nghệ thuật tạc tượng gỗ, nghệ thuật đắp tượng đất.

Chùa Bạch Liên còn có một số đồ thơ tự có giá trị như đôi khám thờ ở hai gian phía đông và phía tây tòa tiền đường. Đây là loại khám lớn cao khoảng trên 2m, dài 1,7m, rộng 1,2m. Khám được thiết kế hai tầng, được gia công nghệ thuật qua các mảng chạm. Đố và bệ khám được chạm khắc rất kỹ. Cột khám được thể hiện bằng hoạ tiết rồng uốn lượn, leo trên cột rất sống động. Một bát hương bằng đồng cao 35 phân, đường kính 32 phân, tuy là dạng bát hương vại, nhưng trang trí tỷ mỉ, công phu, miệng bát hương có viền gờ nổi, chỉ nổi, chân bát hương đúc theo kiểu chân quỳ dạ cá, nổi bật các hoạ tiết "lưỡng long chầu nguyệt", dưới là lá lật, sóng nước và hình ảnh con rùa phun nước.

Đặc biệt Chùa Bạch Liên có một chiếc khánh bằng đồng cao 1m, rộng 1,25m, dài 2 phân. Khánh có chữ "Tự đức thấp tứ niên tuế thứ Tân dậu cửu nhật nguyệt cải trù", tức là khánh này được đúc lại ngày 9 tháng 9 năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1860). Như vậy là tại Chùa Bạch Liên trước kia đã có khánh, không rõ lý do gì mà phải đúc lại. Khánh có bốn chữ lớn: "Tường Lân thôn khánh" nghĩa là khánh của thôn Tường Lân và 4 chữ ở mặt sau ghi: "Bạch Liên tự khánh", tức là khánh của chùa Bạch Liên. Đây là chiếc khánh đẹp từ dáng dấp uốn cong tới đường viền chạy quanh là hàng triện tàu đến phần dưới thân khánh là lớp lớp sóng gợn. Rốn khánh có mặt nguyệt nổi cao, xung quanh viền hạt cườm đều đặn, lại thêm các làn mây tản như các ngọn lửa thiêng bao bọc, bùng cháy. Phần chính diện còn có hoạ tiết hổ phù nổi, các hàng chữ tiến cúng. Nếu lấy dùi đánh vào núm khánh, sẽ có tiếng ngâm, reo vang xa trong trẻo.

Đồ thờ, tượng pháp chùa Bạch Liên được xêp đặt ở vị trí cân đối, hợp lý. Các bệ thờ được làm cao dần, lại vừa phải, đã góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghi, lộng lẫy, cũng như việc bài trí tượng pháp thể hiện tính thẩm mỹ cao.


Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam

No comments:

Post a Comment