Tôi hỏi ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Quản lý Đền Trúc – Ngũ Động Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) rằng, việc đưa thông tin khu rừng sưa này lên báo, liệu có vẽ đường cho lâm tặc, ông Thành bảo rằng, chẳng đưa ra ngôn luận thì đám “sưa tặc” cũng biết cả rồi. Người dân còn chưa biết, chính quyền còn chưa hay, hoặc chưa có sự quan tâm đúng mức, thì lâm tặc đã tìm mọi cách triệt hạ.
Những cây gỗ sưa lớn, nằm ở vị trí thuận lợi, nhất là ở vạt núi ven sông Đáy, đều đã bị “sưa tặc” cưa sạch. Hiện chỉ còn lại những cây sưa ở trên đỉnh núi, sườn Tây, những chỗ hiểm trở, mà lâm tặc chưa có điều kiện đốn hạ mà thôi.
Việc đưa thông tin này lên báo, các cựu chiến binh mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, tìm cách quản lý giúp các cựu chiến binh già, sớm có biện pháp bảo vệ loài cây quý giá trước lòng tham của lâm tặc.
Khu rừng sưa trên núi Cấm thực ra mới được phát hiện vào năm 2006. Sau khi tham quan núi Cấm, một du khách đã thông báo với ban quản lý di tích: “Trên núi Cấm bạt ngàn cây sưa, các cụ nên thông báo với chính quyền để có cách quản lý, trông nom, chứ cứ để tơ hơ giữa trời thế này thì sớm muộn cũng mất hết”.
Từ hàng trăm năm nay, người dân thôn Quyển Sơn và xã Thi Sơn cũng chỉ biết đến một loài cây lạ trên núi. Chẳng ai trồng loài cây này, mà chúng mọc tự nhiên trên đá. Hàng năm, cứ đến mùa xuân, cả ngọn núi Cấm trắng muốt một màu hoa. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng đó là cây sưa đỏ, một loài cây cho gỗ có giá vài tỷ đồng một mét khối lõi.
Ông Nguyễn Trung Thành kể rằng, dường như loài cây này chẳng chịu lớn. Cách đây vài chục năm, ông đã thấy thân chúng lớn chừng hơn vòng tay người ôm và đến bây giờ nó vẫn vậy, chẳng có khác biệt nào.
Người dân Quyển Sơn thường lên núi Cấm lấy củi, song không bao giờ chặt cây sưa. Lý do, rìu, dao bổ vào gốc cây, cứ quằn cả lưỡi, chẳng khác gì bổ vào đá. Một số người cưa gốc cây về, kỳ công chẻ ra, song đốt mãi chẳng cháy lại vứt đi. Trong con mắt của người dân nơi đây, loài “gỗ tạp” này chẳng có tác dụng gì, nên dù dân chúng có đói cũng chẳng thèm chặt.
Gốc sưa mới bị lâm tặc cưa trộm.
Thời gian đó, tự dưng thấy loài “cây lạ” bị đốn hạ nhiều, lại được nghe lời cảnh báo của vị du khách, nên các cựu chiến binh trông nom khu di tích đã báo cáo với lãnh đạo xã và âm thầm tiến hành kiểm tra. Các cụ đã mang quả loài cây này cùng mẫu lá đến gặp các nhà khoa học để nhờ xác minh, đối chứng. Kết quả, loài cây lạ trên núi Cấm đúng là sưa đỏ, loài cây mà các “sưa tặc” đang ráo riết truy lùng, cưa trộm, bán sang Trung Quốc.
Ngay lập tức, thông tin về khu rừng sưa được báo cáo lên cấp trên. Ngọn núi Quyển Sơn lập tức được đổi tên thành núi Cấm, khu rừng trên núi thành khu rừng cấm, với ý nghĩa cấm ra vào, cấm xâm phạm, chặt phá… Rất nhiều câu chuyện huyền thoại được dựng lên, như chuyện ông A vào rừng đốn củi bị tai nạn giao thông, bà B lên núi lấy đá làm cảnh bị tâm thần…
Tuy nhiên, những câu chuyện hãi hùng về sự xâm phạm núi Cấm chỉ dọa được người dân cả tin, chứ không dọa được đám “sưa tặc”. Kể từ ngày loài sưa đỏ có giá bạc triệu, bạc tỷ, đám “sưa tặc” đã biết đến sự tồn tại của khu rừng sưa này. Thi thoảng lại có một gốc sưa biến mất, cứ như thể nó bị bốc hơi.
Từ gốc sưa bị chặt trộm, những cái nhánh lại mọc lên.
“Hoành tráng” nhất là vụ trộm xảy ra vào cuối năm 2008. Chừng nửa đêm, ông Thành cùng các cựu chiến binh đang ngủ trong đền, bỗng nghe thấy tiếng động trên núi, giống tiếng cưa xẻ. Các cựu chiến binh lập tức mang đèn pin, gậy gộc chạy lên núi Cấm. Tuy nhiên, lên đến nơi, thì không thấy bóng người nào cả, chỉ thấy mặt nước sông Đáy vẫn đang xao động. Mọi người đoán rằng “sưa tặc” đã bỏ trốn.
Chạy tiếp lên phía rừng sưa, các cựu chiến binh đã choáng váng khi thấy 30 cây sưa bị đốn hạ. Cây nào cây nấy đều đã được cưa thành khúc, to như cột nhà, lõi đỏ chót như máu. Những cây sưa này đều đã lâu năm vì lõi rất dày, sát đến vỏ.
Các cựu chiến binh đã thông báo cho chính quyền, hôm sau, họ chở đống gỗ sưa này đi. Giờ đống gỗ sưa ấy nằm ở đâu, cũng chẳng ai biết, cũng chẳng bắt được tên trộm nào.
Các cựu chiến binh dẫn tôi xuyên qua khu rừng trúc, vòng lên sườn núi Cấm phía sông Đáy. Theo lời các cựu chiến binh, trước đây, sườn núi ven sông Đáy tập trung rất nhiều cây sưa, tuy nhiên, giờ đây, ở sườn núi này, chẳng còn bóng dáng cây sưa nào nữa. Các cựu chiến binh vạch lớp lá khô, chỉ cho tôi xem những gốc cây còn lại, chìm trong lòng đất, kẽ đá, vẫn còn màu gỗ đỏ thẫm.
Những cây sưa nằm ở vị trí này rất dễ bị trộm cắp. Bọn “sưa tặc” chỉ việc chèo thuyền áp sát chân núi, rồi tiến hành cưa trộm. Dù các cựu chiến binh nghe thấy tiếng động, chạy lên đến nơi, thì chúng đã biến mất cùng với một vài thân cây rồi.
Cụ Nguyễn Trí Viễn bên những gốc cây sưa trị giá tiền tỷ.
Ông Nguyễn Trí Viễn, hiện đã 75 tuổi, song vẫn leo núi phăm phăm, dẫn tôi vòng qua sườn Tây núi Cấm. Càng đi, rừng càng rậm rạp, núi càng hiểm trở. Những vách núi dựng đứng, đá nhọn lởm chởm như tai mèo. Quả thực, với địa hình như thế này, bọn lâm tặc khó mà “đánh nhanh thắng nhanh” được. Chắc vì thế mà sườn núi phía Tây vẫn còn chi chít, bạt ngàn gỗ sưa.
Tôi và ông Viễn đi miên man qua các vách đá, vạch những bụi rậm tìm loài cây bạc tỷ. Ông Viễn bảo, cứ cây nào thân nhẵn thín, có màu vàng nhạt, đích thị là cây sưa. Có những chỗ, gốc sưa cứ xin xít nhau, tán lá phủ trùm, chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp.
Trên núi Cấm với đá tai mèo lởm chởm, chỉ có loài sưa là cây thân gỗ lớn nhất.
Tôi hỏi các cựu chiến binh quản lý rừng sưa rằng, núi Cấm có bao nhiêu cây sưa, các cựu chiến binh bảo: “Chịu thôi, không biết được, nó mọc rải rác khắp ngọn núi!”. Lúc đầu, tôi nghĩ các cựu chiến binh giấu thông tin, nên không nói số lượng cây sưa, chứ những cây sưa, cây nào cây nấy đều trị giá tiền tỷ, sao lại không biết. Tuy nhiên, có vào rừng sưa, mới thấy khó lòng đếm xuể.
Sau khi cuốc bộ một vòng quanh núi Cấm, tận mắt khu rừng sưa quý hiếm, tôi thấy số phận những gốc sưa thật mong manh. Nói là núi đá tai mèo lởm chởm, khó đi, chứ với lâm tặc thì những đại ngàn xa xôi hiểm trở nhiều ngày cuốc bộ, chúng còn xẻ gỗ vác ra được, nói gì đến cái núi Cấm bé tẹo mọc lên giữa cánh đồng chiêm trũng này. Bọn lâm tặc chưa sờ đến những gốc sưa bạc tỷ này là do chúng chưa có cơ hội mà thôi.
Liệu ngọn núi đá dựng đứng này có ngăn được lòng tham của lâm tặc?
Trao đổi với anh Đinh Văn Tuyến, Trưởng Công an xã Thi Sơn, về công tác bảo vệ rừng sưa quý hiếm trên núi Cấm, anh Tuyến bảo rằng, sau vụ lâm tặc đốn hạ mấy chục cây sưa phía sông Đáy, công an huyện đã chỉ đạo công an xã phối hợp với các cựu chiến binh quản lý chặt chẽ rừng sưa.
Anh em công an xã được tăng cường trực tiếp bảo vệ rừng sưa vào những thời kỳ cao điểm. Thời kỳ cao điểm là những lúc có cơn sốt gỗ sưa, hoặc khắp nơi rộ lên tình trạng trộm sưa. Còn những ngày bình thường, việc trông rừng sưa giao cho 5 cựu chiến binh già. Công an sẽ tham gia khi có tin báo từ các cựu chiến binh.
Ông Nguyễn Trung Thành cho hay: “Các cựu chiến binh vẫn phân công thay nhau mỗi ngày vài lần đi vòng quanh núi để trông nom rừng sưa. Tuy nhiên, nếu lâm tặc cố tình tìm cách đốn hạ, thì có trời mà biết”. Cũng theo ông Thành, gần đây, xuất hiện vài kẻ lạ mặt có biểu hiện nghi vấn, suốt ngày vật vờ theo chân các cựu chiến binh và lực lượng công an xã. Chỉ cần một chút lơ là của các cựu chiến binh, những gốc cây bạc tỷ sẽ bốc hơi lập tức.
Rừng sưa với những gốc cây bạc tỷ trên núi Cấm dường như vẫn đang bị phó mặc cho lâm tặc…
Theo 24h.com.vn