Nhưng đặc biệt nhất là trò chơi cướp cầu. Tương truyền, khi ông Trương Nguyên từ Hoa Lư về quê có mang theo một quả cầu, một dụng cụ để luyện tập binh sĩ. Khi về làng cụ bày trò chơi cho toàn dân. Đến nay, trong lễ hội thờ ông, cướp cầu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu được. Quả cầu bằng gỗ, kích thước xấp xỉ như quả bóng chuyền ngày nay, được sơn son thếp vàng và trang trí vẽ mây sóng trên bề mặt. Quả cầu là thánh vật của làng Gừa, đến nay đã bị tróc sơn, các hoa văn họa tiết cũng không còn được rõ nét. Hàng năm chỉ có ngày lễ hội mới được mang cầu ra chơi và bao giờ cũng được tổ chức đầu tiên để khai cuộc.
Hội được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng hàng năm. Từ mờ sáng mồng 4, cửa đình đã rộng mở, đèn thắp sáng, khói hương nghi ngút. Trống nổi giục giã dân làng tới đình. Làng chọn lão nông hoặc người có chức sắc, gia đình thuận hòa, nề nếp làm chủ tế. Đúng giờ tỵ, trò cướp cầu bắt đầu. Đội nào thắng sẽ được vào cung hồi trống, tế thánh khai hội và họ tin rằng mọi ước nguyện cũng sẽ linh ứng.
Trò cướp cầu này còn tồn tại trong hội làng An Mông (làng Móng) xã Tiên Phong, Duy Tiên. Ý nghĩa của tục cướp cầu này, ngoài sự tôn vinh vị anh hùng của quê hương, ngoài sự thể hiện tinh thần thượng võ, có người đã nói tới dấu vết của tục thờ thần mặt trời của người Việt cổ.
(Nguồn: hanam.gov.vn)