Đình làng Thanh Nghĩa đã có 17 sắc phong của các đời vua (từ Lê sơ đến hết triều Nguyễn). Theo Thần phả của làng, đình còn lưu giữ 14/17 sắc phong. Trải qua các thời kỳ loạn lạc, đặc biệt 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ,đình làng được sử dụng làm lớp học, kho thóc, kho súng đạn, nơi làm việc của Huyện uỷ, UBND huyện Bình Lục, Ban Chỉ huy bộ đội an dưỡng. Trong các cuộc chiến tranh, đình làng cũng là nơi dân làng tiễn những người con thân yêu ra tiền tuyến, nơi cung cấp lương thực với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhiều người con của làng đã mãi không trở về (14 liệt sỹ chống Pháp, 26 liệt sỹ chống Mỹ, 08 liệt sỹ trong chiến tranh biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế).
Nhiều năm qua, đình làng đã bị xuống cấp, hiện vật trong đình cũng bị hư hỏng, mất mát. Nhưng với tinh thần yêu nước, gìn giữ giá trị văn hoá dân tộc, bà con dân làng dù sinh sống ở đâu trên mọi miền đất nước vẫn luôn nhớ về nguồn cội đã tôn tạo, cúng tiến nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Năm 2009, đình làng Thanh Nghĩa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Sau gần 80 năm gián đoạn, dân làng Thanh Nghĩa lại được tổ chức lễ hội. Năm nay, dân làng tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia và tổ chức hội làng trong 03 ngày. Người dân trong làng, người làng ở khắp mọi miền Tổ quốc nô nức, phấn khởi về làng tham dự lễ hội. Nhiều nét văn hoá truyền thống được phục dựng giữ nguyên nét cổ: Lễ rước Thành Hoàng, Công chúa được tổ chức long trọng. Những cỗ kiệu bát cống cổ, kiệu hoa công chúa được bài trí trang nghiêm được các nam thanh, nữ tú trong đội rước diễu hành trịnh trọng. Đội múa rồng, múa sư tử được dàn dựng công phu, biểu diễn hết sức độc đáo thu hút đông đảo người xem, các tiết mục văn nghệ như kịch ngắn, hát văn, hát chèo được nhân dân tán thưởng. Lễ hội trang nghiêm, hoành tráng thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với các bậc tiền bối, nơi đây tuyệt nhiên không có chỗ cho sự mê tín, dị đoan.
Theo Dulichvn